Google search engine

Đặc điểm tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có nhồi máu cơ tim cấp

ton_thuong_dong_mach_vanh-h1Bệnh động mạch vành ngày càng tăng ở các nước phát triển do gia tăng tình trạng xơ vữa động mạch. Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các châu Âu và Mỹ, ở Mỹ có khoảng 1,5 triệu ca bị NMCT cấp mỗi năm

BS.CK2. Bùi Minh Trạng,
Hướng dẫn: Cố GS.TSKH. Nguyễn Mạnh Phan

TÓM TẮT:

Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm khảo sát đặc điểm tổn thương động mạch vành qua chụp động mạch vành ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có nhồi máu cơ tim cấp.

Kết quả: qua 227 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được chụp mạch vành xác định chính xác động mạch thủ phạm, kiểu tổn thương, mức độ hẹp… chúng tôi tiến hành so sánh đặc điểm tổn thương mạch vành giữa 2 nhóm bệnh nhân có bệnh đái tháo đường týp 2 (n = 109) và nhóm bệnh nhân không có bệnh đái tháo đường týp 2 (n = 118). Kết quả cho thấy tổn thương động mạch vành ở nhóm bệnh nhân có đái tháo đường týp 2 nặng hơn so với nhóm không bị đái tháo đường. Tổn thương cùng lúc 3 mạch máu ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2 là 33,9% cao hơn nhóm không bệnh nhân không có đái tháo đường 17,8% (p<0.01), tỉ lệ tổn thương týp C chiếm 44,5% cao hơn so với nhóm không bệnh đái tháo đường 17,2% (p<0.01).

Kết luận: tổn thương động mạch vành ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2 bị nhồi máu cơ tim cấp có tính chất phức tạp và nhiều tổn thương hơn so với nhóm không bị đái tháo đường.

ABSTRACT:

Objectives: This study determine the character of damages of  coronary artery in patient with diabetes mellitus type 2.

Results: including 227 patients with acute myocardial infarction (AMI) admitted 115 people’s hospital. Patients had coronary angiography determining culprit artery. We compare damage of coronary artery on angiography in two group: patient with diabetes mellitus type 2 (n = 109) and patient without diabetes mellitus (n = 118). Result in diabetes mellitus group: damage three vessel 33,9% vs 17,8% in group without diabetes mellitus (p<0.01), type C damage in 44,5% vs 17,2% (p<0.01).

Conclusions: . damages of  coronary artery in patient with diabetes mellitus’s serious more than in patient without diabetes mellitus.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh động mạch vành ngày càng tăng ở các nước phát triển do gia tăng tình trạng xơ vữa động mạch. Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các châu Âu và Mỹ, ở Mỹ có khoảng 1,5 triệu ca bị NMCT cấp mỗi năm, trong đó có 30% tử vong. Theo thống kê của một số tác giả thì bệnh động mạch vành có xu hướng tăng ở các thành phố lớn của Việt Nam do sự phát triển kinh tế xã hội. Đái tháo đường cũng ngày càng gia tăng, Ở Mỹ từ 2 triệu người mắc bệnh vào đầu những năm 1960 đã tăng lên 15 triệu vào năm 2000 và ước tính sẽ là 22 triệu vào năm 2025. Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường bị tử vong do bệnh lý mạch vành tim, trong đó 80% người bệnh đái tháo đường tử vong do xơ vữa động mạch.  Trong nguyên nhân tử vong là bệnh tim mạch thì ¾ là do bệnh động mạch vành, còn lại ¼ là do mạch máu não và mạch máu ngoại biên.

Liên quan đến sinh lý bệnh học của biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường gồm nhiều yếu tố: tăng đường máu, tăng đề kháng insulin, rối loạn lipid máu, tăng đông máu, béo phì và tăng huyết áp. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã cho thấy tổn thương mạch vành tim ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ nặng nề hơn so với bệnh nhân không bị đái tháo đường. Tổn thương mạch máu ở người đái tháo đường thường lan tỏa, nhiều mạch máu cùng bị và tương đối phức tạp nên việc điều trị can thiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Theo các chuyên gia can thiệp mạch máu thì đặc điểm tổn thương mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường làm cho việc can thiệp có tỉ lệ thành công thấp hơn so với nhóm bệnh nhân không có đái tháo đường.

Tại Việt Nam nhiều bệnh viện đã trang bị máy chụp mạch máu xóa nền (DSA) có thể tiến hành chụp mạch vành, can thiệp và đặt giá đỡ (stent). Chúng tôi làm nghiên cứu này với mục tiêu: ghi nhận đặc điểm tổn thương mạch vành trong chụp động mạch vành ở hai nhóm bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường týp 2 và không đái tháo đường có nhồi máu cơ tim cấp.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp lần đầu tiên được chụp động mạch vành bằng máy DSA (có can thiệp hoặc không).

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Thực hiện nghiên cứu hồi cứu, quan sát, mô tả.

2.3. Phương tiện nghiên cứu:

* Bệnh đái tháo đường týp 2 được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế Thế giới 1998.

* Nhồi máu cơ tim cấp được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế Thế giới 2002.

* Kết quả chụp mạch vành được thực hiện trên máy DSA với ê kíp thực hiện thủ thuật và đọc kết quả của BVND 115 (từng trường hợp có ghi hình ảnh trong đĩa CD). Các tổn thương mạch vành được đánh giá theo phân loại của Hội tim mạch Hoa Kỳ và Trường môn tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC 2005).

2.4 Phương pháp xử lý số liệu:

Xử lý thống kê theo phần mềm vi tính SPSS 15.0. Tính tần xuất các biến số và kiểm định t-test hoặc c2 để so sánh sự khác nhau giữa nhóm bệnh nhân có đái tháo đường týp 2 và nhóm không có đái tháo đường (có ý nghĩa thống kê khi p<0.05).

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu 227 trường hợp được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp được chụp mạch vành tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: nhóm không có đái tháo đường týp 2 (n = 118) và nhóm có đái tháo đường týp 2 (n = 109).

3.1. Sự phân bố theo giới tính & tuổi:

 

Nhóm không ĐTĐ

(n = 118)

Nhóm ĐTĐ

(n = 109)

Tuổi (năm)

63,83 ± 12,11

63,76 ± 10,76

Nam

77 (65,2%)

53 (48,6%)

Nữ

41 (34,8%)

56 (51,4%)

(ĐTĐ: đái tháo đường týp 2)

Tuổi trung bình ở 2 nhóm bệnh nhân không đái tháo đường và đái tháo đường tương tự nhau và phù hợp với y văn là bệnh động mạch vành thường xảy ra ở người lớn tuổi. Về giới tính: nhóm không đái tháo đường có tỉ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ và nhóm đái tháo đường thì tỉ lệ nữ nhiều hơn nam, tương tự với nhiều công bố của các tác giả trên thế giới là tổn thương mạch vành ở nữ bệnh nhân đái tháo đường chiếm ưu thế.

3.2. Đặc điểm yếu tố nguy cơ mạch vành:

 

Nhóm không ĐTĐ

(n = 118)

Nhóm ĐTĐ

(n = 109)

P

Cao huyết áp

86 (72,9%)

87 (79,8%)

> 0.05

Hút thuốc lá

54 (45,8%)

21 (39,6%)

Rối loạn lipid máu

53 (45%)

56 (51,4%)

 

< 0.05

Tăng Triglycerid

24 (20,3%)

36 (33%)

Tăng cholesterol

20 (16,9%)

28 (25,7%)

Béo phì, quá cân

19 (16,1%)

37 (34%)

Trong lô nghiên cứu thì tình trạng cao huyết áp và hút thuốc lá của cả hai nhóm đều tương tự  nhau. Tuy nhiên tình trạng rối loạn lipid máu, tăng cholesterol, tăng triglycerid và béo phì, quá cân của nhóm bệnh nhân đái tháo đường cao hơn nhóm không đái tháo đường (có ý nghĩa thống kê), điều này phù hợp với y văn là nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2 sẽ béo phì hơn, rối loạn lipid máu đặc trưng ở nhóm bệnh nhân này và đó cũng chính là nguyên nhân gây tổn thương mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

3.3. Số lượng đmv bị tổn thương:

ton_thuong_dong_mach_vanh-h1

Ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2 thì tỉ lệ bị tổn thương cùng lúc 3 nhánh động mạch vành chiếm ưu thế hơn so với nhóm không đái tháo đường, 33,9% so với 17,8% (p<0.01), tỉ lệ tổn thương 1 nhánh thấp hơn nhóm không đái tháo đường. Kết quả này tương tự của Phạm Mạnh Hùng (64,7% so với 28,9%) hoặc của Chaves A (39% so với 22%), Alonso (51% so với 40%).

3.4. Loại tổn thương:

ton_thuong_dong_mach_vanh-h2

Ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 thì tổn thương động mạch vành thuộc týp C chiếm ưu thế với 44,5% so với 17,2% ở nhóm không đái tháo đường, khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p <0.01. Đối với týp C thì tổn thường phức tạp: vôi hóa, xoắn vặn, tổn thương lan tỏa và đoạn dài… kết quả này phù hợp với nghiên cứu của các tác giả khác: Phạm Mạnh Hùng ((79% so với 18%), Alonso (68% so với 49%).

3.5. Tần suất đmv bị tổn thương

ĐMV

tổn thương

Không ĐTĐ

ĐTĐ

n

%

n

%

ĐMLTT

72

61

87

79,8

ĐMVP

60

50,8

65

59,6

ĐMMV

43

36,4

55

50,5

Tổng số

175

 

207

 

(ĐMLTT: động mạch liên thất trước, ĐMVP: động mạch vành phải, ĐMMV: động mạch mũ vành)

Kết quả tổn thương động mạch liên thất trước nhiều nhất, kế đến là động mạch vành phải giống nhau giữa 2 nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và không đái tháo đường. So sánh cho thấy tương tự với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Sơn có tổn thương LAD chiếm 44,8%,  nghiên cứu của Đỗ Kim Bảng tổn thương LAD (56,72%), RCA chiếm 34,33%, Cx chiếm 8,96%.

4. KẾT LUẬN:

– Qua 227 trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được chụp mạch vành có 109 bị đái tháo đường týp 2 (48%) cho thấy ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương động mạch vành phức tạp và tổn thương nhiều nhánh hơn so với nhóm bệnh nhân không bị đái tháo đường.

– Tổn thương mạch vành týp C và B của động mạch vành gặp ở bệnh nhân đái tháo đường nhiều hơn (theo thứ tự 44,5% so với 17,2%, 35,7% so với 23,4%).

– Ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường có tổn thương cùng lúc 3 nhánh động mạch vành chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với nhóm không có đái tháo đường (33,9% so với 17,8%).

– Ở cả hai nhóm bệnh nhân có và không có đái tháo đường thì tổn thương động mạch liên thất trước chiếm tỉ lệ nhiều nhất, tiếp theo là động mạch vành phải và động mạch mũ vành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Kim Bảng. Nghiên cứu khả năng dự đoán vị trí tổn thương động mạch vành bằng điện tâm đồ ở bn nhồi máu cơ tim cấp. Tạp chí tim mạch học Việt Nam số 34; 13-17.

2. Phạm Mạnh Hùng & cs. Đặc điểm tổn thương động mạch vành trên chụp mạch ở bệnh nhân đái tháo đường. Tạp chí tim mạch học Việt Nam số 34; 18-23.

3. Nguyễn Mạnh Phan. Các phương pháp chẩn đoán thiếu máu cơ tim cục bộ. Bệnh lý tim mạch BVCR 1997; 118-122.

4. Nguyễn Ngọc Sơn, Huỳnh Văn Minh, Nguyễn Cửu Lợi. Đánh giá sự tương quan về vị trí tổn thương giữa điện tâm đồ bề mặt và kết quả chụp động mạch vành ở bn nhồi máu cơ tim. Hội Nghị Tim mạch toàn quốc 2004.

5. Phạm Hoàn Tiến. Nghiên cứu hình ảnh tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bằng chụp động mạch vành chọn lọc có đối chiếu với điện tâm đồ. Luận án tiến sĩ y học, Học viện Quân y 2003.

6. Alonso JJ. Influences of Diabetes Mellitus on Initial and Long-Term Outcome of stented Patients With Multivessel Coronary Disease.

J Am Coll Cardiol 2000; 35: Suppl-57.

7. Chaves A. A less Favorable Long-Term Clinical Outcome in Diabetics Persiste Despite Treatment With Intracoronary Stent.

J Am Coll Cardiol 2000; 35: Suppl-55.

8. Daniel W. Foster. Diabetes Mellitus.

Harrison’s Principles of Internal Medicine 14th, McGraw-Hill company; 2060-2080.

9. Richard W.Nesto, Peter Libby. Diabetes Mellitus and the Cardiovascular system.

Heart Disease 6th , W.B.Saunders Company 2003; 2133-2146.

10.   Virgil Brown W, Warren W Davis. Special problems in the prevention of cardiovascular disease.

Cardiology 2th , Mosby 2004; 41-42.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO