Google search engine

Bệnh xơ cứng rải rác não tủy dễ gây tàn phế

(Bee) – Ngày càng phát hiện nhiều bệnh nhân bị xơ cứng rải rác não tủy, trong đó  đa phần là trẻ em và người dưới 50 tuổi. Bệnh không chữa được triệt để và dễ  gây tàn phế.

Biểu hiện của bệnh

TS Nguyễn Thị Tâm, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh,Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, xơ cứng rải rác là bệnh hiếm gặp, trước đây chủ yếu chỉ có ở châu Âu.

Tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân được chẩn đoán nhầm các bệnh về mắt, đột quỵ, thần kinh… Gần đây, nhờ kỹ thuật hiện đại mới phát hiện do xơ cứng rải rác não, tủy. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là mờ mắt, nhìn đôi hoặc mờ dẫn tới mất thị lực hoàn toàn từng mắt một.

 

Trẻ mắc xơ cứng rải rác tại Bệnh viện TW Quân đội 108.
Trẻ mắc xơ cứng rải rác tại Bệnh viện TW Quân đội 108.

 

Sau đó tê hoặc yếu một hoặc nhiều chi, xảy ra ở một bên hoặc ở nửa dưới cơ thể, cảm giác kiến bò hoặc đau ở nhiều nơi trên cơ thể, cảm giác bị điện giật xảy ra với một số cử động đầu… Trong một số trường hợp có thể gặp co cứng hoặc co thắt cơ, nói líu ríu, liệt, rối loạn chức năng đại tiểu tiện hoặc sinh dục, thay đổi tâm thần như hay quên hoặc khó tập trung. Từ đầu năm tới nay, khoa đã tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân tuổi từ 8 – 50.

Theo BS An Thành Phú, khoa Nội thần kinh Bệnh viện TW Quân đội 108, hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, chỉ biết là một bệnh mạn tính tác động đến hệ thần kinh trung ương và có thể gây tàn phế.

Đây là một bệnh tự miễn trong đó hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể chống lại lớp vỏ myelin bao bọc các sợi thần kinh trong não và tuỷ sống. Kết quả là gây viêm và tổn thương lớp vỏ này cũng như dây thần kinh mà nó bao quanh. Điều đáng nói các biểu hiện đầu tiên của bệnh chỉ khởi phát vài ngày sau đó im lặng hằng tháng hoặc hằng năm, rồi lại xuất hiện các triệu chứng mới. 

Cách điều trị và phòng bệnh

TS Tâm cho biết, điều trị bệnh này rất khó khăn và tốn kém với nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch, giảm mỏi mệt, điều trị co cứng cơ, điều trị mắt, thay huyết tương… Tuy nhiên, việc điều trị vẫn chỉ có tác dụng hồi phục một phần của các triệu chứng ở đợt cấp, kéo dài thời gian đợt tái phát tiếp theo nhưng không ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

Theo BS Phú, với cơ chế tự miễn dịch và sự mẫn cảm gen thì  việc phòng bệnh là khó khăn. Đối với yếu tố  gây bệnh do nhiễm virus, người bệnh cần  phòng bệnh bằng cách tăng cường sức đề kháng của cơ thể và chữa dứt điểm những bệnh do virus gây nên.

Người bị bệnh nên có một chế độ tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khoẻ và khả năng thích nghi với môi trường sống. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tránh khói, bụi, tiếng ồn, dùng khẩu trang khi đi đường… cũng là biện pháp tốt để phòng bệnh.

Thúy Nga

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO